Phong cách Môn cưỡi ngựa

Hiệp sĩ châu Âu

Tái hiện cảnh hiệp sĩ thời Trung Cổ đấu thương

Dù là đánh nhau, đi săn hay đi lại, hiệp sĩ cũng ngồi trên lưng ngựa phần lớn thời gian. Khi còn là tiểu đồng hay cận vệ, anh ta đã được dạy làm thế nào để cưỡi ngựa và chăm sóc ngựa của mình. Khi lớn lên, anh ta được học cách đánh nhau trên lưng ngựa, sử dụng kiếm và thương để có thể chiến đấu vì đức vua của mình và tham gia các cuộc đấu trên ngựa. Destrier là tên thường gọi của ngựa chiến là những con ngựa đực không thiến to khỏe, có thể đưa chủ của mình vào trận chiến một cách nhanh chóng. Những con ngựa chiến tốt nhất và đắt tiền nhất là những con ngựa có nguồn gốc ở phía nam châu Âu, đặc biệt là Ý và Tây Ban Nha.

Hiệp sĩ điều khiển ngựa của mình bằng cả tay lẫn chân. Chàng đặt chân lên bàn đạp và dùng chúng để ghìm ngựa. Điều này có nghĩa là tay của hiệp sĩ thoải mái nắm dây cương hoặc cầm kiếm hay thương. Dây cương da được nối với hàm thiếc đặt ở mõm ngựa. Bằng cách thay đổi độ căng của dây cương, hiệp sĩ có thể điều khiển con ngựa tăng tốc, chạy chậm lại hay rẽ ngoặt. Một người cưỡi ngựa giỏi sẽ chỉ dùng đinh thúc ngựa đúng lúc như khi giục ngựa của mình tăng tốc thật nhanh. Dù vậy, cú thúc mạnh từ một đầu nhọn dài bằng kim loại của đinh thúc ngựa bình thường làm con ngựa bị đau. Đinh thúc ngựa có bánh xe nhỏ ở đầu, với các đầu nhọn ngắn hơn xếp thành các vòng tròn, gây ít tổn hại hơn.

Kỵ mã Nhật Bản

Một võ sĩ Cung Mã đạo- Yabusame

Tại Nhật Bản, từ thời Trung Cổ, nghệ thuật cưỡi ngựa là một hình thức võ nghệ đi đôi với thuật bắn cung nên được gọi chung là “Cung Mã Đạo” (“Yabusame”), vốn là một trong Thập bát ban võ nghệ của xứ Nhật Bản. Bắt đấu từ thời kỳ Bình-Nguyên nhưng, từ sau thời đại Giang Hộ-Edo (1603 -1867) môn nghệ thuật cưỡi ngựa cổ truyền của Nhật Bản không còn được ưa chuộng như xưa vì xã hội Nhật Bản đã trải qua một thời kỳ thanh bình lâu dài nên võ nghệ không còn được trọng dụng bằng các hoạt động mang tính cách kinh tế hoặc chính trị, đặc biệt là việc áp dụng súng hỏa mai vào chiến tranh.

Hiện nay, Cung Mã Đạo là một nghi lễ nghệ thuật Thần Đạo, người kị sĩ sẽ cưỡi ngựa và bắn tên vào bia ở xa. Đây là môn thể thao bắt nguồn từ những bài huấn luyện cho Samurai vào thời kì chiến tranh. Ngoài ra, Yabusame cũng có liên quan mật thiết đến Thần đạo (Shinto) nên thường hay được diễn ra tại đền thần. Cung thủ ngồi trên con ngựa bắn cung thi đấu là một nghi lễ truyền thống trong lễ hội của Nhật Bản, ngồi trên ngựa phải hạ gục cả 3 mũi tên vào 3 mục tiêu bằng gỗ. Phong cách bắn cung và truyền thống cưỡi ngựa bắn cung này của đất nước Nhật Bản có nguồn gốc của nó vào đầu của thời kỳ Kamakura, trong đó, Minamoto no Yoshitsune (Nguyên Cửu Lang Nghĩa Kinh) được biết đến là kỵ mã huyền thoại với điển tích cưỡi ngựa lao xuống từ núi để tập kích doanh trại đối phương.

Ở Trung Á

Tập luyện đấu vật trên lưng ngựa ở Kyrgyzstan

Các môn thể thao truyền thống quốc gia phản ánh tầm quan trọng của hành động cưỡi ngựa trong văn hoá Kyrgyz. Rất phổ thông, như tại tất cả các quốc gia Trung Á khác, là Kok Boru (có nghĩa "sói xanh"), một môn thể thao đồng đội giống như polorugby trên lưng ngựa, theo đó hai đội tìm cách mang xác một con dê không đầu vượt qua vạch gôn đội đối thủ, hay theo kiểu thường được chơi ngày nay, vào trong gôn đội đối thủ, một chiếc bình lớn hay một vòng đánh dấu trên mặt đất. Trong trận đấu các đấu thủ tìm cách giật xác dê từ tay đối thủ.

Các môn thể thao phổ thông trên lưng ngựa khác gồm Tyiyn hay Tenghe Enish (nhặt một đồng xu trên mặt đất trong khi đang phi ngựa), Kyz Kuumai (đuổi một cô gái để thắng một cái hôn của cô ta, khi cô đang phi ngựa chạy và có thể đánh kẻ đuổi theo bằng chiếc roi da của mình), Oodarysh (vật trên lưng ngựa), những cuộc đua ngựa đường trường trên 15, 20 hay thậm chí 50 và 100 km, và các môn thể thao truyền thống khác ở các vùng miền có liên quan đến việc cưỡi ngựa.

Ở Trung Á còn có môn thể thao Chovgan hay cưỡi ngựa chơi bóng được chơi ở Azerbaijan, Iran, TajikistanUzbekistan trong đó, là môn thể thao ăn sâu vào đời sống người dân trên đất nước Azerbaijan. Trò chơi này được xem là tiền thân của môn Mã cầu (polo). Gốc gác của nó có thể từ giữa thiên niên kỷ đầu tiên và đến nay cũng không có nhiều thay đổi. Dù hầu hết những nguyên tắc chơi cơ bản vẫn giống như môn polo ở những nơi khác, nhưng ở đây người chơi không bao giờ mang mũ bảo hiểm hay yên cương. Vì thế Chovgan là trò chơi của kỹ năng nhưng trên hết đó là lòng dũng cảm. Người chơi cưỡi những con ngựa Karabakh nổi tiếng với tốc độ và sức bền hiếm có.

Azerbaijan, trò chơi diễn ra trên đồng cỏ, trong điệu nhạc dân gian gọi là Janghi, với hai đội chơi trên lưng ngựa, mỗi đội có năm người. Người chơi và người tập luyện đều là những nông dân khỏe mạnh và cưỡi ngựa giỏi. Họ đội chiếc mũ khan, áo choàng dài ôm người với eo cao và quần, tất và giày đặc biệt. Trận đấu bắt đầu ở trung tâm cánh đồng và người chơi dùng một cái vồ gỗ để đưa quả bóng gỗ hoặc da nhỏ vào gôn của đối phương. Trò chơi nhắc nhớ về gốc gác nền văn hóa du mục gắn với nhận thức về ngựa như một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Những luật lệ, kỹ năng và kỹ thuật của trò chơi được truyền từ người chơi giàu kinh nghiệm tới những người mới qua huấn luyện tập thể.